Cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác, mùa xuân là dịp để đồng bào các dân tộc vùng núi cao nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả trên nương rẫy. Tết là dịp để họ có thời gian thăm hỏi nhau, làm những món ăn cổ truyền của dân tộc mình dâng lên tổ tiên và đãi bạn bè. Với người H- Mông ở Điện Biên Đông, Tết truyền thống của dân tộc là Tết quan trọng nhất, lớn nhất trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên và thần thánh. có những lễ vật như: "Lễ vật đầu tiên phải có gà, lợn, bánh chưng, bánh giầy.Tết đến con cái, cháu chắt tập trung hết về nhà. Truyền thống trong gia đình, con cháu tập trung về cùng dùng cơm trong ngày Tết".


Ở bản làng của người dân tộc Thái đen ở Điện Biên mỗi độ Xuân về lại rộn rã tiếng chày giã bánh Khẩu xén. Bánh Khẩu xén là món bánh không thể thiếu được trong các món ăn ngày Tết của người Thái đen nơi đây: "Cái này tiếng địa phương là Khẩu xén. Tiếng Thái xén là cắt, còn khẩu gọi chung là cơm. Làm ra vừa là để thờ cúng, nhưng cũng là món ăn mời bạn bè đến chúc Tết.
Cùng với các nghi lễ trong gia đình, những hoạt động vui chơi ngày hội, xuân trên vùng cao còn khiến lòng người rộng mở. Đó là khi cả không gian dày đặc tiếng khèn, tiếng sáo hòa cùng giọng ca trong trẻo. Đó là cánh đồng bạt ngàn cải trắng như mây bên sườn núi, là chồi xanh non nhú lên từ những gốc đào mốc thếch. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo choàng rực rỡ sắc màu mùa xuân.